Popular Post

Đã tiếp cận vùng biển phát hiện vết dầu loang

Nguồn Tuổi trẻ Online TRỰC TIẾP - Hai tàu của lực lượng cảnh sát biển đã tiếp cận vùng biển phát hiện vết dầu loang, nghi là nơi chiếc máy bay của Hãng hàng không Malaysia gặp nạn.
Nhóm phóng viên các báo tháp tùng đoàn cứu hộ - Ảnh: Thuận Thắng
Lúc 7g20, đại tá Doãn Bảo Quyết, chính ủy vùng cảnh sát biển 4 cho biết ngay trong đêm 8-3, hai tàu của đơn vị đã đến vùng biển phát hiện có vết dầu loang và triển khai tìm kiếm. Tuy nhiên, đến sáng 9-3, vẫn chưa phát hiện được dấu hiệu gì của chiếc máy bay mất tích.
Đại tá Đậu Khải Hoàn, chủ nhiệm chính trị Vùng 5 Hải quân, cho hay sáng 9-3, hai tàu HQ954 và HQ637 cũng đã đến vùng biển trên và triển khai tìm kiếm.
Trước đó, các phóng viên của Tuổi Trẻ cũng đã tháp tùng cùng các đoàn tìm kiếm để cập nhật các diễn biến mới nhất về công tác cứu hộ chiếc máy bay mất tích.
Lúc 5g30 sáng 9-3, phóng viên Thuận Thắng và Viễn Sự báo Tuổi Trẻ cũng đã có mặt tại lữ đoàn 918 để bay cùng 2 máy bay AN26 số hiệu 286 và 261 ra vùng biển vịnh Thái Lan tìm kiếm máy bay của hãng hàng không Malaysia mất tích.
Có mặt trên máy bay là đại tá Nguyễn Đức Minh, phó tham mưu trưởng phòng không không quân trực tiếp chỉ huy đội tìm kiếm.
Theo đại tá Minh, ngày hôm nay các máy bay AN26 sẽ mở rộng phương thức tìm kiếm. Cụ thể khi cần thiết máy bay sẽ mở khoang sau để thả áo phao và một số vật dụng cứu nạn.
Đồng thời, do phạm vi tìm kiếm cũng trong vùng biển do Việt Nam quản lý không lưu nên đại tá Minh chỉ đạo máy bay sẽ linh hoạt hạ độ cao nhằm quan sát được tốt nhất.
Dự kiến thời gian bay kéo dài 3 tiếng đồng hồ sau đó tuỳ tình hình máy bay AN26 có thể quay về tiếp nhiên liệu để bay tiếp.
Lúc 6g30 phóng viên Viễn Sự đã ngồi trong máy bay số hiệu 286, tổ bay cho biết thời tiết hiện tại trên đất liền và vùng biển Việt Nam rất tốt cho công tác tìm kiếm.
Tổ bay chuyến bay 286 kiểm tra các thông số kỹ thuật chuẩn bị cất cánh lúc 6g45 - Ảnh: Viễn Sự
Lúc 4g30 sáng 9-3 hai tổ bay từ trực thăng Mig 171 với số hiệu 02 và 04 của Trung đoàn không quân 917 (Sư đoàn 370) đã tiến hành tiếp nhiên liệu và đến 5g30 việc tiếp nhiên liệu hoàn tất, chờ lệnh bay cứu nạn.
Đại tá Trần Văn Quang – trung đoàn trưởng Trung đoàn không quân 917 – cho biết toàn bộ lực lượng của hai tổ bay đã sẵn sàng chờ lệnh cấp trên để xuất phát.
Theo kế hoạch mỗi trực thăng sẽ mất một giờ bay mới tiếp cận được địa điểm nghi máy bay gặp nạn và sẽ tham gia tìm kiếm, cứu hộ khoảng một giờ rưỡi trên biển, sau đó sẽ trở về sân bay Cà Mau tiếp tục tiếp nhiên liệu để thực hiện các chuyến bay cứu hộ tiếp theo.
Mỗi trực thăng cứu hộ bao gồm tổ bay bốn người, tổ tìm kiếm trên không hai người (một trợ lý và một bác sỹ), trực thăng cũng có cần cẩu 350kg, một lần có thể cẩu được hai người.
Hai phóng viên Hoàng Trí Dũng và Tấn Đức của Tuổi Trẻ có mặt trong chuyến bay cứu nạn sáng nay. 
Phóng viên Tuổi Trẻ ghi nhận tình hình tại sân bay Cà Mau sáng 9-3 - Ảnh: Tấn Đức
H.T.DŨNG - T.ĐỨC - V.SỰ - T.THẮNG - N.TRIỀU


Hai vệt dầu loang và cột khói trên biển
Thông tin với Tuổi Trẻ, đại tá Trần Văn Quang - trung đoàn trưởng trung đoàn 917 - cho biết không quân VN đã điều chuyên cơ AN26 và phát hiện các vệt dầu loang trên mặt biển, nghi là dấu vết chiếc máy bay Boeing 777-300 mất liên lạc.
16g26 ngày 8-3, máy bay AN26 phát hiện trên vùng biển có dấu hiệu nghi là vệt dầu dài 20km, tọa độ 7,55 độ vĩ Bắc, 103,1852 độ kinh Đông. Vệt dầu nằm trong vùng biển do VN quản lý không lưu.
Sau đó, máy bay AN26 tiếp tục phát hiện một cột khói bốc lên từ biển.
Đến 17g20, máy bay AN26 tìm thấy dấu hiệu nghi là vệt dầu thứ hai, cách mũi Cà Mau khoảng 250km.
Tại sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn của Cục Hàng không, ông Phạm Quý Tiêu - thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, phó chủ tịch Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn - đồng ý với nhiều nhận định cho rằng việc máy bay bị mất tích không tự động phát tín hiệu khi gặp nạn lên vệ tinh là điều bất thường.
Việc phát hiện vệt dầu được thông báo cho phía tìm kiếm cứu nạn Singapore và Malaysia để triển khai xác minh tiếp.
Theo thông tin từ cơ quan nghiệp vụ Bộ đội biên phòng Cà Mau, đến 19g cùng ngày, hầu hết ngư dân Cà Mau đang khai thác trên biển được thông báo, hỗ trợ tìm kiếm và trục vớt hành khách nước ngoài trên chiếc máy bay gặp nạn. Song chưa ngư dân nào trình báo trục vớt được người hay thấy dấu hiệu khả nghi của máy bay gặp nạn. Ngoài bốn tàu chuyên dụng ở Hòn Khoai, Hòn Chuối và Hải đội biên phòng 2, Bộ đội biên phòng Cà Mau còn huy động thêm gần mười tàu cá của ngư dân trong tư thế sẵn sàng nhận lệnh khởi hành ra biển cứu hộ.
Theo lịch trình, các trực thăng chuyên dụng của không quân VN tại Cà Mau sẽ khởi hành cứu hộ máy bay Malaysia gặp nạn rạng sáng nay 9-3.
T.Phùng - Đ.Triều - T.Thái

Leave a Reply

Subscribe to Posts | Subscribe to Comments

- Copyright © Games Android + Android4vi - Date A Live - Powered by Blogger - Designed by Johanes Djogan -