Popular Post

Phó Tư lệnh cảnh sát biển: 'Mọi sự kiềm chế đều có giới hạn'

Trong quá trình ngăn cản Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép, các tàu của Việt Nam đã hết sức kiềm chế dù bị tấn công, nhưng sự chịu đựng nào cũng có giới hạn. Nếu tàu Trung Quốc tiếp tục đâm, phía Việt Nam sẽ có hành động tự vệ.
 
Lời tuyên bố này được Phó tư lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam Ngô Ngọc Thu đưa ra tại cuộc họp báo quốc tế về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển Việt Nam. Dưới đây là các câu hỏi đáp xoay quanh chủ đề này:
hai-binh-2.jpg
Từ trái qua, ông Trần Duy Hải, phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia; ông Lê Hải Bình, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao; ông Ngô Ngọc Thu, phó tư lệnh cảnh sát biển Việt Nam trong cuộc họp báo về việc Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép ở vùng biển Việt Nam. Ảnh: Một Thế giới.

- Trong những ngày qua, các đại diện Việt Nam nỗ lực tiếp cận ngoại giao với phía Trung Quốc để xử lý vấn đề. Tại sao hai nước vẫn chưa sử dụng điện đàm đường dây nóng giữa lãnh đạo cấp cao nhất? 
- Ông Trần Duy Hải, phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia: Trước hết, chúng ta đã sử dụng các đường dây nóng giữa bộ Ngoại giao hai nước, cũng như ở cấp phó thủ tướng, bộ trưởng ngoại giao và ủy viên quốc vụ. Chúng ta cũng đã nêu với phía Trung Quốc sẵn sàng điện đàm lãnh đạo cấp cao và chúng ta đang chờ đợi trả lời từ phía Trung Quốc. 
Do tính chất nghiêm trọng của vấn đề, vì thấy rằng nó sẽ đe dọa hòa bình ổn định và an ninh an toàn hàng hải ở Biển Đông, nên chúng tôi đã thông báo cho các nước ASEAN và các nước liên quan khác quan tâm cũng như có lợi ích ở khu vực này. Trong tiếp xúc, hầu hết các nước đều bày tỏ lo ngại trước hành vi của Trung Quốc. 
- Trung Quốc phớt lờ các yêu cầu chính đáng từ phía Việt Nam, Việt Nam tính tới các kịch bản phản ứng như thế nào?
- Ông Trần Duy Hải: Tôi xin khẳng định rằng vấn đề chủ quyền rất thiêng liêng đối với đất nước chúng ta. Cho nên, chúng ta sẽ sử dụng tất cả những biện pháp cần thiết để bảo vệ các quyền và lợi ích của chúng ta. Chính sách nhất quán của Việt Nam là thông qua các biện pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp liên quan. Chúng ta kiên trì thực hiện theo đuổi các biện pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp. 
- Hiện nay phía Trung Quốc đã thật sự khoan thăm dò dưới đáy biển của Việt Nam hay chưa? Nếu Trung Quốc không chịu rút giàn khoan ra khỏi biển của Việt Nam thì Việt Nam sẽ có hành động gì tiếp theo?
- Ông Ngô Ngọc Thu, Phó Tư Lệnh, tham mưu trưởng Cảnh sát biển Việt Nam: Cho đến hôm nay, giàn khoan 981 đã được định vị ở các vị trí như đã xác định trên bản đồ. Sau định vị, giàn khoan đang tiến hành tác nghiệp chuẩn bị để tiến tới khoan thăm dò. 
Như chúng tôi đã khẳng định, Việt Nam chủ trương thông qua các biện pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp liên quan. Hiện nay và sắp tới, chúng ta sẽ tiếp tục kiên trì trao đổi với Trung Quốc để xử lý những vấn đề ở Biển Đông. Nhưng một lần nữa tôi cũng muốn khẳng định rằng vì các quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam ở Biển Đông, chúng ta sẽ sử dụng tất cả các biện pháp hòa bình, quy định bởi luật pháp quốc tế cũng như Hiến chương Liên Hiệp Quốc để bảo vệ các quyền và lợi ích của Việt Nam. 
Ông Ngô Ngọc Thu
Ông Ngô Ngọc Thu, phó tư lệnh, tham mưu trưởng Cảnh sát biển Việt Nam, trong cuộc họp báo chiều qua tại Hà Nội. Ảnh: AFP
-  Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc đưa giàn khoan và tàu hộ tống vào hoạt động tại thềm lục địa của Việt Nam. Phía Việt Nam sẽ có những biện pháp gì để ngăn chặn Trung Quốc lặp lại các hành động tương tự trong tương lai?
- Ông Trần Duy Hải: Trước đây, Trung Quốc cũng đã nhiều lần tiến hành thăm dò ở khu vực này và chúng ta cũng đã kiên quyết đấu tranh và Trung Quốc đã rút. Trung Quốc từng thuê các giàn khoan của các nhà thầu bên ngoài để dự tính khoan thăm dò trên vùng biển của Việt Nam. Nhưng chúng ta đã đấu tranh quyết liệt, kể cả gặp các nhà thầu đó để đấu tranh, nên chưa xảy ra trường hợp Trung Quốc khoan thăm dò trên vùng biển của chúng ta.
Đây là lần đầu tiên Trung Quốc sử dụng chính giàn khoan Trung Quốc chế tạo để tiến hành khoan thăm dò trên thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Như tôi đã khẳng định nhiều lần là chúng ta sẽ phải tiếp tục đấu tranh bằng mọi biện pháp hòa bình để bảo vệ quyền và lợi ích của chúng ta trên Biển Đông.
- Khi Trung Quốc đưa giàn khoan vào thềm lục địa Việt Nam, phía Việt Nam có bất ngờ không?
Ông Ngô Ngọc Thu: Về việc di chuyển của giàn khoan 981, chúng tôi đang theo dõi và nắm bắt rất chặt. Nhưng theo công ước quốc tế về luật biển, các tàu thuyền, phương tiện nổi được quyền di chuyển bình thường trên các vùng đặc quyền kinh tế. Chỉ khi nào những giàn khoan hạ đặt và tiến hành khoan thăm dò, lúc đó mới vi phạm pháp luật của nước có chủ quyền và quyền chủ quyền.
Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, chúng ta kiên quyết đấu tranh theo tinh thần sử dụng mọi biện pháp trên cơ sở đảm bảo hòa bình, ổn định ở khu vực, đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông, đảm bảo mục tiêu của chúng ta và các nước mong muốn.  
tau-kiem-ngu-9673-1399532080.jpg
Tàu kiểm ngư Việt Nam hư hại sau khi bị tàu Trung Quốc đâm. Ảnh: AFP
- Tôi thấy các tàu Trung Quốc chủ động đâm vào các tàu Việt Nam, vậy các tàu Việt Nam có đâm vào tàu Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền hay không?
Ông Ngô Ngọc Thu: Mặc dù những ngày vừa qua, tình hình trên thực địa rất căng thẳng, Trung Quốc chủ động tiến hành đâm va và sử dụng các loại trang bị trên tàu để bắn, phun nước vào tàu Việt Nam. Cho đến nay, có 6 kiểm ngư viên Việt Nam bị thương.
Như quý vị xem clip, các tàu hải cảnh và các tàu bảo vệ của Trung Quốc chủ động đâm va vào các tàu Việt Nam, gây hư hỏng và ảnh hưởng đến tranh thiết bị của tàu Việt Nam. Vừa qua, lực lượng cảnh sát biển và lực lượng kiểm ngư hết sức kiên trì và kiềm chế. Chúng tôi tiếp tục bám trụ và giải quyết mọi việc trên biển. Nhưng mọi sự chịu đựng đều có giới hạn. Nếu tiếp tục đâm vào chúng tôi thì chúng tôi cũng có những tự vệ tương tự để đáp lại.
- Việt Nam có theo gương Philippines kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế Liên Hiệp Quốc hay không?
Ông Trần Duy Hải: Quan điểm nhất quán của Việt Nam là thông qua các biện pháp hòa bình, trong đó ưu tiên cho việc đàm phán thương lượng giải quyết các vấn đề tranh chấp với các nước láng giềng. Tuy nhiên, chúng ta không thể loại trừ một biện pháp nào cả để bảo vệ hòa bình. 
- Trong cuộc điện đàm hôm qua với Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam, ông Dương Khiết Trì, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc đã nói gì? 
Ông Trần Duy Hải: Trong cuộc điện đàm giữa Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì, phía Trung Quốc cũng nhắc lại lập trường của Trung Quốc trên Biển Đông. Họ cho rằng khu vực mà giàn khoan 981 đang hoạt động thuộc quyền tài phán của Trung Quốc. Nhưng Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã bác bỏ những quan niệm từ phía Trung Quốc và khẳng định chủ quyền của chúng ta đối với quần đảo Hoàng Sa, cũng như quyền chủ quyền, quyền tài phán của chúng ta đối với vùng biển. Chúng ta nhấn mạnh rằng các hoạt động của tàu và giàn khoan 981 vi phạm, xâm phạm các vùng biển của Việt Nam và Việt Nam sẽ kiên quyết phản đối. 
- Tập đoàn Dầu khí có chuẩn bị ứng phó như thế nào nếu Trung Quốc di dời giàn khoan tới vị trí tập đoàn đang tiến hành khai thác, xâm phạm lợi ích của tập đoàn cũng như đất nước?
- Ông Đỗ Văn Hậu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam: Khu vực lô 143-142 là khu vực hiện đang có giàn khoan của Trung Quốc HD-981. Để khỏi hiểu lầm, chúng tôi xin nói rằng đây là khu vực chưa có phát hiện thương mại nào để có thể khai thác dầu khí. Đây là lần đầu tiên ở khu vực này có khoan dầu khí. 
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã tiến hành nhiều đợt khảo sát tìm kiếm thăm dò dầu khí ở khu vực này nhưng chưa khoan. Và đây là lần đầu tiên Trung Quốc đưa giàn khoan vào khu vực vi phạm quyền chủ quyền ở thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Tất các những khu vực đang khai thác dầu khí của Việt Nam đều nằm trong thềm lục địa và vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Chúng tôi tin rằng, các lực lượng bảo vệ của Việt Nam sẽ không cho phép phía Trung Quốc tiếp cận đến các khu vực ta đang khai thác dầu khí, trong bất luận trường hợp nào.
- Nếu chúng ta buộc Trung Quốc di dời giàn khoan ra khỏi vị trí này, Việt Nam sẽ buộc Trung Quốc bồi thường các kiểm ngư viên Việt Nam bị thương và tàu thuyền bị hư hỏng như thế nào?
- Ông Trần Duy Hải: Trong đấu tranh ngoại giao, chúng ta luôn yêu cầu Trung Quốc phải chấm dứt những hành động bắt giữ ngư dân, cũng như bồi thường thiệt hại cho các ngư dân. Trong vụ việc lần này, chúng tôi cũng đã yêu cầu Trung Quốc phải bồi thường thiệt hại mà họ đã gây ra trong vụ va chạm.
- Một số đặc điểm về vùng biển mà Trung Quốc đặt giàn khoan, như độ sâu thế nào, khả năng khai thác thương mại sao?
- Ông Đỗ Văn Hậu: Vùng biển mà phía Trung Quốc đang tiến hành các hoạt động trái phép, cách phía nam đảo Tri Tôn khoảng 17 hải lý (30 km), cách đảo Lý Sơn về phía đông khoảng 180 hải lý. Khu vực này độ nước sâu trung bình khoảng 1.000 m, chỗ khu vực giàn đó khoảng 1.100 m. Vì vậy mà Trung Quốc phải dùng giàn khoan nửa nổi nửa chìm. Giàn này có hai cách để định vị, hoặc là dùng neo, hoặc dùng các chân vịt để định vị tại vị trí khoan.
Về tiềm năng dầu khí ở khu vực này, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã thực hiện nhiều cuộc khảo sát. Không phải bây giờ chúng ta mới bắt đầu mà từ thời chính quyền Việt Nam Cộng hòa năm 1972 đã bắt đầu khảo sát địa chấn, thuê một công ty của Mỹ thực hiện. Sau đó chúng ta tiếp quản tài liệu tiếp tục khảo sát ở khu vực này. Những nghiên cứu của Petro Việt Nam đã có, nhiều nghiên cứu được in.
Tổng quan mà nói thì khu vực này tiềm năng dầu khí chưa được đánh giá kỹ vì chúng ta chưa đủ tài liệu và cũng chưa khoan. Tuy nhiên, đến giờ Petro Việt Nam chưa khoan là vì đây là vùng nước sâu và chúng ta chưa có thiết bị. Phần lớn các hoạt động thăm dò, đặc biệt hoạt động khai thác dầu khí, chúng ta tập trung ở những vùng biển nông hơn. Chiến lược của Petro Việt Nam là tiếp tục triển khai các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí ở những vùng biển xa hơn, kể cả khu vực lô 142-143.
Chúng tôi tin rằng, việc khoan thăm dò là một chuyện, nhưng khai thác khó khăn hơn rất nhiều. Bởi để khai thác dầu khí ở một khu vực, chúng ta phải xây dựng rất nhiều công trình cố định và thực hiện rất nhiều công việc, các hoạt động dầu khí liên quan như thăm dò thêm, thẩm lượng, xây dựng các công trình trên biển… Để khai thác được dầu khí ở vùng biển nước sâu thì đòi hỏi một chương trình đầu tư rất tốn kém, và đặc biệt nữa là khó khăn về độ sâu nước. Chúng tôi không tin rằng trong một tương lai gần có thể khai thác dầu khí ở khu vực này. 
Trọng Giáp ghi

Leave a Reply

Subscribe to Posts | Subscribe to Comments

- Copyright © Games Android + Android4vi - Date A Live - Powered by Blogger - Designed by Johanes Djogan -